Có chăng tế bào thần kinh xấu hổ
Có chăng tế bào thần kinh xấu hổ? Thật ra xấu hổ hay bất cứ cảm xúc nào cũng có thể là một sản phẩm của hệ thống tế bào thần kinh phản ánh [mirror neuron system]. Cho nên, nói có cái gọi là dây thần kinh xấu hổ cũng. . . có lý.
Đầu tiên một nhóm khoa học gia sinh lý thần kinh tại Đại Học Parma của Ý nhận thấy một số tế bào điều khiển hành vi của khỉ macaque có phản ứng khi quan sát cử động ăn của người khác y như khi chúng tự ăn (Experimental Brain Research, 1992). Các nghiên cứu bằng fMRI sau đó tìm thấy ở loài người hệ thống thần kinh này cũng trải đều khắp bộ não. Hệ thống tế bào này ở người không chỉ “kích hoạt” khi quan sát hoạt động mà còn cả khi nhìn thấy biểu lộ cảm xúc của người khác. Một nghiên cứu mới xuất bản vào đầu tháng hai vừa qua cho thấy người bị chứng ám ảnh sẽ có cảm giác ghê tởm khi nhìn thấy người khác bị nhiễm bẩn y như chính họ bị thực sự (Neurocase, 2017). Bandura như vậy đã tìm được nền tảng thần kinh học cho lý thuyết Học tập Xã hội của mình.
Có nhiều giả thuyết về chức năng của hệ thống tế bào này. Từ việc giúp trẻ con học nói cho đến khi chúng bắt đầu hình thành những giả thuyết về ý tưởng của người khác (theory of mind). Từ việc giúp tăng khả năng sinh tồn khi tránh những hiểm nguy trong môi trường cho đến việc nhận biết và đồng cảm với nỗi đau thể xác đến tinh thần của những người chung quanh. Và vì vậy, những nghiên cứu gần đây về hệ thống thần kinh này bao gồm cả nhóm bị tự kỷ để tìm hiểu lý do tại sao trẻ tự kỷ không có khả năng nhận biết được cảm xúc của người khác.
Hệ thống tế bào thần kinh phản ánh giúp chúng ta cảm nhận được nỗi khổ đau hay vui sướng của đồng loại bằng cách tái tạo những nét mặt mà nó quan sát được trên mặt người khác trên mặt của chúng ta. Cười, khóc, ngáp đều dễ lây là vì vậy. Thế nên chích botox để căng da mặt nhiều quá khiến cho nhiều phụ nữ không còn nhận diện được cảm xúc của người khác (Cerebral cortex, 2009). Hay uống nhiều thuốc giảm đau quá cũng khiến chúng ta hết còn thấy “đau” khi chứng kiến khổ đau phiền não của “chúng sanh” (Social Cognitive and Affective Neuroscience, 2016).
Vì vậy, nếu chúng ta được nuôi dưỡng trong một môi trường không ai biết xấu hổ, chúng ta cũng sẽ không tập được thói quen biết xấu hổ, thậm chí không có bất cứ cảm giác gì liên quan đến xấu hổ. Lớn lên trong một môi trường không ai biết đồng cảm, chúng ta cũng không biết gì đến đồng cảm. À và biết đâu uống rượu để giảm khổ đau lâu ngày cũng trở thành vô cảm với nỗi khổ đau của người khác. Hay mang mặt nạ lâu ngày dính luôn vào mặt thật thì cũng hết khả năng cười khi người khác cười, khóc khi người khác khóc.
Vì vậy, “khóc cười theo vận nước nổi trôi” là điều bất khả khi hệ thống thần kinh phản ánh này lâu ngày không dùng đã teo hết.
Cảm ơn a Lê Nguyên Phương. Hy vọng không nhiều người bị “liệt thần kinh xấu hổ”.
Tại vì xấu hổ là một cảm giác rất khó chịu nên nhiều người muốn làm cho nó teo liệt luôn cho khỏe Tu Anh Thi Tran à. Từ giác độ Tâm Lý Trị Liệu thì cảm giác xấu hổ quá đáng hay lệch lạc cũng có thể làm thân chủ đánh mất chức năng sinh hoạt bình thường trong cuộc sống.
Trong giải phẫu học (Anatomy), có một dây thần kinh thẹn (Pudendal nerve), ngày trước đi học trường Y, các thầy Việt Nam dịch ra là thần kinh thẹn. Ban đầu em nghĩ là thẹn do xấu hổ chung chung nhưng thực ra là liên quan đến vấn đề sinh dục. Các thầy giải phẫu Việt Nam dịch hay thật!
Năm 2004 có nghiên cứu về Neuroscience (Rizzolatti & Craighero,2004) phát hiện ra Neuron Gương (Mirror Neuron) ở vùng thuỳ trán gần vỏ não vận động và thủy đỉnh, nhóm Neuron này được activated khi quan sát hành vi của đối tượng khác, loài khỉ cũng có những Neuron này. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3510904/…
Chúng ta cảm thấy đau khổ khi thấy người khác đau khổ, tuy nhiên ở con người có những cơ chế làm triệt tiêu điều này, ví dụ như sử dụng hệ thống duy ý chí quá. Chúng ta hay nói về không nên duy ý chí nhưng thực ra chúng ta vẫn duy ý chí, vẫn chỉ suy nghĩ, dùng mọi tính toán cho mình, lợi riêng, vinh thân, phì gia… nên còn đâu để cho Neuron gương được kích hoạt theo hướng thấu cảm ? Có hay chăng thì chúng được kích hoạt theo hướng bắt chước những gì có lợi cho bản thân. So sánh sự kích hoạt theo 2 hướng khác nhau,đây cũng là hướng nghiên cứu hay đấy anh Lê Nguyên Phương.
Trời đất, dây thần kinh đó mà gọi là thẹn thì học trò lẫn lộn là phải rồi. Mấy thầy dạy giải phẫu mà “thẹn” kiểu ấy thì sao biết có con nối dõi nhỉ. Dạy như vậy là lẫn lộn giữa khoa học và đạo đức học rồi.
Hệ thống này cũng có thể thay đổi đúng ko ạ? Càng trẻ và càng nhạy cảm thì càng dễ thay đổi đúng ko ạ?
Chưa đọc được nghiên cứu về vấn đề em nêu ra nên anh không biết.
Post của mình chỉ nói lên một điều là hành vi xấu hổ có thể học từ người khác thông qua việc quan sát và cảm nhận phi ý thức của tế bào phản ảnh. Tuy nhiên mình chưa đề cập đến vùng não làm chủ cảm xúc xấu hổ, tương tự như vùng anterior insula làm chủ cảm giác ghê tởm và vai trò của cảm giác này trong sinh tồn của giống nòi. Câu hỏi của Giang đưa ra có nhiều khía cạnh và tao ra nhiều câu hỏi mới: Phải chăng nên để mirror neuron phản ảnh tự nhiên thế giới mới là tự nhiên? Duy ý chí giống hay khác khái niệm bản ngã tác ý trong PG? Để các neurons này hoạt động tự nhiên có tương tự như vô vi thuận tự nhiên của Lão hay không? Thế nào là có lợi cho bản thân vì sinh tồn trong thiên nhiên khác sinh tồn trong xã hội? Sự chọn lựa này phải chăng cũng là hành động duy ý chí? Có lẽ phải giải đáp những câu hỏi triết học trước khi tiến hành thí nghiệm chăng?
Hệ thống này có thể giải thích tốt cho việc bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, quảng cáo hàng ngày lên hành vi của chúng ta đúng không anh? Và nếu vậy thì ý thức có đóng vai trò tốt cho việc điều chỉnh thói quen không?
Là sản phẩm của tiến hóa, hệ thống tế bào này giúp chúng ta cùng đồng cảm với đồng loại, đặc biệt trong việc nhận diện mối nguy hiểm trong môi trường chung quanh. Một cá thể trong bầy cảm nhận được mối nguy hiểm thì cả bầy đều nhận biết. Vì cơ thể của chúng ta cũng “rung động” khi nhìn thấy đồng loại trước mắt rung động, chúng ta cảm nhận được nỗi đau hay niềm vui của tha nhân. Hầu hết phản ứng này đều vô thức. Từ căn bản đó, Duy có thể đọc và khai triển thêm.
Ở Việt Nam, cụm từ ” duy ý chí ” cũng hay được dùng để chỉ sự cố áp đặt trong hệ thống, người ta ” cố đấm ăn xôi”, làm cho bằng được theo ý, không đếm xỉa đến hoàn cảnh khách quan, chính vì thế mà có nhiều vấn đề bị áp đặt và gây ra những hệ luỵ, không cần để ý hay rung cảm trước đau khổ của người khác. Duy ý chí là vậy thôi anh, chứ chưa nói gì sâu xa theo triết lý. Nếu cứ “cố đấm ăn xôi” thì đâu còn gì mà thấu cảm được sự khổ của người khác, vậy nên chắc là cũng sẽ có những đối tượng sẽ ” bắt chước” cách này để làm theo hướng lợi ích riêng như ” lợi ích nhóm” chẳng hạn.